Trong hai thập niên qua, nhiều hội thảo/hội nghị về cải tiến chất lượng giáo dục, đặc biệt chất lương giáo dục-đào tạo cấp đại học đã được tổ chức. nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục, v.v...đã gợi ý nhiều giải pháp; báo chí cũng đã viết nhiều về vấn đề này. Tuy giải pháp thì có nhiều, nhưng giải pháp đồng bộ và khả thi thì có vẻ cần nhiều tranh luận thêm nữa.
Tôi xin đưa vào blog này bài " Trường Đại học Cần Thơ-Những chặng đường phát triển và đổi mới" mà tôi đã trình bày tại Hội thảo " Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học có chất lượng theo nhu cầu xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn đến năm 2020" được tổ chức ngày 26 tháng 2 năm 2011 tại Thành phố Cần Thơ với hy vọng nó đến đươc nhiều người hơn.
Cách làm của Trường Đại học Cần Thơ (DHCT) đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, môi trường giáo dục/đào tạo hài hòa, tiên tiến nhưng mang đậm bản sắc Việt Nam đã được thiết lập.
Mới đây, một cô giáo trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục này và nay là cô giáo tại DHCT đã viết về những kỷ niệm thời thơ ấu và những cảm nhận mang tính riêng tư của mình. Bài viết hơi mộc mạc nhưng chân tình. Với sự đồng ý của tác giả, tôi đưa bày viết của cô vào blog dưới đây để các bạn tham khảo.
Phát triển toàn diện thế hệ trẻ là trách nhiệm của mọi người, tôi mong blog này nhận được nhiều ý kiến của các bạn giúp tuổi trẻ Việt Nam hội nhập thành công vào cộng đồng thế giới.
Cám ơn các bạn
Gs Trần Phước Đường
Trường Đại học Cần Thơ
Những chặng đường đổi mới và phát triển
Gs Trần Phước Đường
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ
I. Thời kỳ trước 1975
Trường Đại học Cần Thơ được thành lập ngày 31 tháng 3 năm 1966 với tên gọi là Viện Đại học Cần Thơ. Đây là cơ sở đào tạo đại học trẻ nhất ở miền Nam trước 1975. Viện Đại học Cần Thơ có 04 khoa (Khoa Khoa học, Luật Khoa và Khoa học Xã hội, Văn Khoa và Khoa Sư Phạm) và Trường Cao Đẳng Nông nghiệp. Cơ sở vật chất kiên cố gần như không có gì, phần lớn công tác giảng dạy được tổ chức tại nhiều địa điểm tạm. Cơ sở cao tầng duy nhất của Viện hư hại nặng năm 1968. Đội ngũ cán bộ giảng dạy (CBGD) có trình độ trên đại học rất ít, phần lớn công tác giảng dạy do giáo viên thỉnh giảng từ các đại học, cơ sở nghiên cứu đảm nhiệm. Khoa Luật và Khoa học Xã hội và Văn Khoa có nhiều sinh viên nhất; phần lớn sinh viên vào hai khoa này để “né” quân dịch.
II. Mười lăm năm phát triển (1975-1990)
Sau 1975, Viện Đại học Cần Thơ được đổi tên thành Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Trong 15 năm tiếp theo (1975-1990), Trường không ngừng mở rộng qui mô về tổ chức và đào tạo. Trong những năm đầu thập niên 1980, Trường được tổ chức thành 14 khoa nhỏ (5 khoa ngành Sư phạm, 7 khoa ngành nông nghiệp, Khoa Tại chức và Khoa Y-Nha-Dược) và 7 Trung tâm Nghiên cứu & Dịch vụ. Qui mô đào tạo và chuyên ngành đào tạo cũng không ngừng tăng lên để đáp ứng nhu cầu cán bộ, nhất là cán bộ nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)
Trường Đại học Cần Thơ là một trong các cơ sở đào tạo thực hiện triệt để phương châm “học đi đôi với hành, nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn đời sống”. Trường tạo điều kiện cho sinh viên cọ sát với cuộc sống; Năm 1978-79 Trường đã đóng cửa gần một tháng để thầy và trò đi diệt rầy nâu ở Tiền Giang, Long An, Bến Tre v.v...CBGD và sinh viên ngành nông nghiệp thực hiện nghiên cứu & thực nghiệm ngay trên ruộng, vườn của nông dân; thực hiện rộng rãi khẩu hiệu “cùng ăn, cùng ở và cùng làm với nông dân” để nông dân áp dụng ngay kết quả thí nghiệm, biến nông dân thành cán bộ “khuyến nông” địa phương của Trường, tạo phong trào sôi nổi sử dụng giống cây, con mới, áp dụng phương thức sản xuất mới ở khắp ĐBSCL. Cộng đồng Trường Đại học Cần Thơ nhanh chóng hội nhập vào cộng đồng dân cư ĐBSCL, hình ảnh CBGD và sinh viên Trường di chân trần, đội nón lá lội đồng ruộng đã trở thành quen thuộc với nhân dân địa phương.
Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn chung của cả nước, cũng như các trường đại học non trẻ khác, ĐHCT đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức trong thập niên 1980:
- Cơ sở vật chất không có gì. Đa số các phòng học là nhà lá, vách đất; ký túc xá sinh viên là một số căn nhà lá vách đất chật hẹp (Hình 1) chỉ chứa được một lượng nhỏ sinh viên. Trang thiết bị dạy và học thiếu và lạc hậu, thực tập chai là chuyện bình thường.
Hình 1. Lớp học tre lá (Nguồn: ĐHCT)
- Lực lượng cán bộ, nhân viên (CBNV) vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn. Đến tháng 12/1990, Trường có 1.045 CBNV; trong 613 CBGD, chỉ có 11 người có bằng Tiến sĩ, 11 người có bằng Phó Tiến sĩ, 13 người có bằng Thạc sĩ, 51 người có bằng Cao học và 527 người có bằng Đại học và Cao đẳng (bảng 1).
Bảng 1. Nhân sự Trường Đại học Cần Thơ (tháng 12/1990)*
Tsố CBNV | CBGD | Ts | PTs | Ms | Ch | Đh | Cđ |
1045 | 613 | 11 | 11 | 13 | 51 | 523 | 4 |
*Nguồn : Trường Đại Học Cần Thơ
Đội ngũ CBGD được tập hợp từ nhiều nguồn, (R,B và lưu dung) được đào tạo trong nước (miền Bắc, miền Nam ) và ngoài nước (khối Xã hội Chủ nghĩa và Tư bản Chủ nghĩa). Đa số CBGD còn rất trẻ, kinh nghiệm sư phạm hạn chế, trình độ ngoại ngữ thấp (nhiều người không có khả năng giao tiếp với người nước ngoài bằng ngoại ngữ như Anh, Pháp, Nga v.v...) và đang trong giai đoạn hòa hợp. Rất nhiều môn học phải dựa vào giáo viên thỉnh giảng từ các đại học TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
- Tài chính của Trường chủ yếu do Nhà nước trung ương cung cấp; nguồn thu từ học phí, giảng dạy tại chức tại các tỉnh và các hỗ trợ của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và hoạt động lao động sản xuất không nhiều. Thiếu hụt tài chính là một trong các nguyên nhân đã làm chậm sự phát triển của Trường Đại học Cần Thơ trong thời gian này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến qui mô và chất lượng đào tạo của Trường
III. Hai mươi năm đổi mới (1991-2010)
Bầu cử hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ năm 1989 đánh mốc khởi đầu thực hiện chủ trương “Đổi Mới” Trường. Lãnh đạo mới của Trường có hai sự lựa chọn: (1) Theo con đường chính thống an toàn và (2) “Đổi mới” vốn còn xa lạ trong ngành giáo dục, nhiều bất trắc.
ĐHCT đã chọn con đường “đổi mới” toàn diện để trở thành một cơ sở đào tạo đại học và trên đại học tiên tiến ngang tằm với các đại học khu vực và thế giới, có đội ngũ cán bộ có tri thức hiện đại đào tạo nguồn nhân lực trẻ phát triển toàn diện, có tri thức, kỹ năng sống, tác phong công nghiệp, tư duy độc lập, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt v.v...
Bắt đầu với gánh hành trang nhẹ bổng nêu trên, ĐHCT đã thực hiện nhiều cải cách sâu, rộng mang tính tạm gọi là “đột phá”:
1. Đột phá thứ nhất-Tổ chức lại Trường
Cách tổ chức ĐHCT thành các khoa nhỏ (Khoa Toán-Lý, Khoa Hóa Sinh, Khoa Trồng trọt....) không còn phù hợp với xu thế của thời đại, tạo bộ máy quản lý cồng kềnh, tốn kém....Trường tiến hành tổ chức lại các khoa, phòng, ban; ghép các khoa nhỏ cùng ngành thành các khoa lớn có nhiều chuyên ngành đào tạo, tổ chức tinh, gọn các đơn vị quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, huy động được sức người, sức của và tiết kiệm. Trong những năm đầu thập niên 1990, Trường được tổ chức thành 03 khối: Khối đào tạo (Nông nghiệp, Sư phạm và Y-Nha-Dược), Khối nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ (các viện, trung tâm) và khối quản lý (các phòng-ban).
2. Đột phá thứ hai-Hợp tác trong nước
Trường Đại học Cần Thơ mở rộng hợp tác với các viện, trường trong nước. Trường cùng với các đại học ở TP Hồ Chí Minh, Đại học Nha Trang và Đại học Đà Lạt thành lập một tổ chức gọi là “12 Đại học Liên kết” để thông qua đó phối hợp chặt chẽ hơn với các trường đại học phía Nam về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, văn nghệ, thể dục, thể thao, hợp tác quốc tế v.v.... Các trường luân phiên nhau tổ chức giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao ...giúp các sinh viên có cơ hội tiếp xúc học hỏi nhau, tránh các căng thẳng giữa các sinh viên của các trường đóng cùng địa bàn. Hiệu trưởng các trường họp mặt mỗi năm ít nhất 1 lần để trao đổi, rút kinh nghiệm đổi mới, kinh nghiệm về hợp tác quốc tế, trao đổi về mức học phí, mức thu ký túc xá sinh viên v.v...Trường Đại học Cần Thơ đã khai thác hiệu quả những hỗ trợ, chi viện của các trường đàn anh, đặc biệt trong lãnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.
3. Đột phá thứ ba-Tăng cường trình độ ngoại ngữ
Thông thạo ngoại ngữ của cán bộ nhân viên và sinh viên là một trong các yếu tố quyết định sự thành công của chương trình hội nhập quốc tế của Trường Đại học Cần Thơ. Trường đã có hai quyết định quan trọng: (1) Từ năm học 1990-1991, Trường cho phép sinh viên chọn ngoại ngữ ra trường. Trong năm học tiếp theo, đã có khoảng 80% sinh viên chọn Anh ngữ. Điều này gây sự thiếu hụt trầm trọng giáo viên Anh văn chuẩn. Trường giải quyết khó khăn này bằng cách kêu gọi các tổ chức phi chính phủ gởi tình nguyện viên từ các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ , Canada , Úc v.v...đến giúp; các tổ chức này trả lương cho tình nguyện viên, ĐHCT cung cấp cho họ chổ ở. Trong thời gian đầu, đa số các tình nguyện viên không phải là giáo viên tiếng Anh chuyên nghiệp nhưng đã giúp giáo viên tiếng Anh của Trường cải thiện cách phát âm, cách giao tiếp bằng tiếng Anh ...(2) Năm 1991 Trường đề nghị và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Trung tâm Ngoại ngữ ( TTNN) với chức năng ban đầu là nâng cao trình độ ngoại ngữ của cán bộ, nhân viên và sinh viên Trường. Trường nhờ các tổ chức phi chính phủ gởi chuyên gia đến vừa đào tạo lại giáo viên của TTNN và Khoa Sư phạm vừa trực tiếp giảng dạy sinh viên. Nhiều tổ chức phi chính phủ Bắc Mỹ đã gởi chuyên gia tiếng Anh sang Trường công tác dài hạn, chính phủ Pháp và Tổ chức các trường đại học sử dụng hoàn toàn hay một phần tiệng Pháp (AUPELF) thiết lập một thư viện tiếng Pháp và cử chuyên gia công tác nhiều năm tại Trường. Các tổ chức này hỗ trợ thiết bị khá hiện đại cho nhiều phòng thính thị. Trường khuyến khích tất cả cán bộ, nhân viên học ngoại ngữ không mất tiền. Những người đi học lấy bằng nước ngoài phải vượt qua kỳ sát hạch trình độ ngoại ngữ của TTNN, ai không vượt qua hai lần sát hạch sẽ không được đi học. Chủ trương này đã dấy lên phong trào học ngoại ngữ sôi nổi trong Trường. Chất lượng giảng dạy của Trung tâm Ngọai ngữ ngày càng được nâng cao và đã trở thành một trong các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ mạnh ở Việt Nam, được nhiều tổ chức quốc tế (Hội đồng Anh, IIG Việt Nam, Cambridge ESOL...) hợp tác để kiểm tra các trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế như IELTC, TOEFL ITP, TOEIC,ESOL. Về sau, với yêu cầu của cộng đồng địa phương, TTNN mở rộng cơ sở vật chất và nhận học viên ngoài Trường. Trung tâm Ngoại ngữ đã đóng góp quan trọng vào nổ lực quốc tế hóa ĐHCT, giúp cộng đồng Trường hội nhập thành công cộng đồng thế giới
4. Đột phá thứ tư-Nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên
Đầu thập niên 1990, đội ngũ cán bộ ĐHCT vừa thiếu vừa yếu. Cán bộ giảng dạy có bằng Tiến sĩ và tương đương chiếm chưa tới 3,6% (Bảng 1); đa số CBGD có bằng đại học, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ còn hạn chế. Trình độ ngoại ngữ của đa số CBGD yếu, không đủ sức giao tiếp với người nước ngoài. Vì vậy trong suốt quá trình 20 năm đổi mới, lãnh đạo nhà trường luôn coi trọng công tác đào tạo lên cao, đào tạo lại đội ngũ cán bộ và nhân viên. Trường khai thác tối đa nguồn tài trợ của nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế và các chương trình hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ cán bộ. Tất cả các chương trình hợp tác quốc tế của Trường luôn có ba nội dung chính: đào tạo cán bộ, hiện đại hóa thiết bị nghiên cứu khoa học, phương tiện dạy/học.
Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, hàng năm ĐHCT gởi hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo dài hạn/ngắn hạn, tham quan, dự hội nghị quốc tế v.v....Được chủ động về tài chính, ĐHCT thường chọn khoa, bộ môn, thậm chí giáo sư giỏi tại các trường đại học nổi tiếng tại các nước công nghiệp phát triển để gởi cán bộ đi học lấy bằng Ms, Tiến sĩ. Tất cả các chương trình đào tạo nước ngoài đều gắn với ngành đào tạo và định hướng dài hạn nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của Trường. Thí dụ chương trình đào tạo ngắn hạn/dài hạn ở nước ngoài của Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học đều có liên quan đến sinh học phân tử, vi sinh vật, công nghệ enzyme v.v... phục vụ chương trình khai thác công nghệ sinh học tạo giống cây con mới, khai thác vi sinh vật phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển kỹ thuật chẩn đoán bệnh cây, con ở cấp phân tử v.v...
Sau 20 năm phát triển nguồn nhân lực, ĐHCT đã có một đội ngũ cán bộ trẻ tương đối đồng bộ, có tri thức hiện đại, năng động, sáng tạo (Bảng 2). Đa số CBGD trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ được đào tạo tại các trường đại học nổi tiếng trong nước và thế giới.
Bảng 2. Cán bộ giảng dạy (Tháng 12 năm 2010)*
CBGD** | Ts | Ths&Ms | Đh | Cđ |
1.086 | 179 (16,5%) | 577 (53,1%) | 325 (30%) | 5 (<0,5%) |
* Nguồn: Phòng TCCB Trường Đại học Cần Thơ
** Tỷ lệ CBGD < 40 tuổi chiếm 65%, < 50 tuổi chiếm 79%
Tỷ lệ CBGD trẻ chiếm tỷ lệ khá cao. Do bị khống chế biên chế nên Trường vẫn phải mời nhiều giáo viên thỉnh giảng từ các trường trong và nước ngoài để đảm bảo tỷ lệ gv/sv theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Đột phá thứ năm- Hiện đại hóa chức năng đào tạo
Hiện đại hóa đào tạo là hoạt động quan trọng nhất của ĐHCT. Trường tiến hành nâng cao chất lượng đào tạo bằng nhiều biện pháp:
- Với sự hỗ trợ từ quốc tế và đầu tư của Trung ương, các tỉnh ĐBSCL và TP Cần Thơ, ĐHCT đã xây dựng mới nhiều cơ sở vật chất (Hình 2), trang bị mới và đồng bộ các phương tiện dạy/học, nâng cấp thiết bị các phòng thực tập phù hợp với nội dung lý thuyết các môn học; sinh viên cao học và tiến sĩ được tiếp cận và sử dụng các thiết bị hiện đại tại các phòng nghiên cứu khoa học. Trường chi một ngân sách lớn thiết lập hệ thống giảng dạy từ xa thông qua Internet.
- Thực hiện chương trình đào tạo hai giai đoạn bậc đại học, Trường tái lập Khoa Khoa học với nhiệm vụ trọng tâm là giảng dạy khoa học cơ bản cho sinh viên của tất cả đơn vị đào tạo. Trường mời bốn giáo sư nhiều kinh nghiệm của Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) cùng với các giáo sư của Đại học Amsterdam (Hà Lan) hướng dẫn cán bộ của Khoa hiện đại hóa giáo trình cơ bản Toán, Lý, Hóa, Sinh và Tin học. Đưa nhiều đợt cán bộ viết giáo trình sang Đại học Amsterdam thực tập phương pháp giảng dạy. Trường, với kinh phí của chương trình MHO (xem mục 8), xây mới Khoa Khoa học với các phòng thực tập trang bị hiện đại, sát với nội dung các môn lý thuyết.
- Với sự trợ giúp của các giáo sư/chuyên gia nước ngoài, Trường hiện đại hóa nội dung các giáo trình chuyên ngành của tất cả các chương trình đào tạo, cải tiến phương pháp giảng dạy, áp dụng phương pháp giảng dạy lấy “sinh viên làm trọng tâm”, khuyến khích sinh viên tự học, tra cứu tài liệu khoa học lưu trữ tại thư viện và trên Internet.
- Hoạt động đào tạo ở ĐHCT không chỉ gói gọn trong lãnh vực cung cấp cho sinh viên tri thức hiện đại mà còn giúp thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có kỹ năng sống, có tư duy độc lập, khả năng làm việc nhóm (team work), v.v...Nhờ thường xuyên giao tiếp trực tiếp với chuyên gia và sinh viên nước ngoài, sinh viên ĐHCT quen dần với tác phong công nghiệp, văn minh trong giao tiếp, kỹ luật trong cuốc sống ....
Hình 2. Một số cơ sở vật chất mới: (1) Hội trường lớn, (2) Trung tâm Học liệu, (3)
Khoa Công nghệ và (4) Khoa Nông nghiệp
6. Đột phá thứ sáu- Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ
Đây là hoạt động không thể thiếu ở một trường đại học. ĐHCT có nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học-phát triển công nghệ với nhiều viện, trường trong và ngoài nước. Chương trình hợp tác quốc tế quan trong trong lãnh vực này luôn có các nội
dung sau:
- Mục tiêu nghiên cứu luôn gắn liền với giải quyết các vấn đề của Việt Nam (sản xuất, đời sống, phát triển kinh tế v.v....),
- Đào tạo dài/ngắn hạn cán bộ; nội dung luận án ra trường là một phần của chương trình hợp tác để, khi về nước, cán bộ có thể tham gia ngay vào chương trình nghiên cứu đang được tiến hành,
- Trang bị hiện đại các phòng nghiên cứu khoa học. ĐHCT đã thiết lập mới nhiều phòng thí nghiệm với các hệ thống thiết bị đồng bộ và hiện đại như các phòng thí nghiệm ở Khoa Nông nghiệp, Khoa Thủy sản, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học v.v...phục vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học.
- ĐHCT không nhận chuyên gia đến làm việc dài hạn; cán bộ Trường thực hiện tốt nội dung phân công trong thời gian chuyên gia vắng mặt.
ĐHCT đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, phục vụ đời sống. Cán bộ Trường tham gia tích cực vào các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, tư vấn sản xuất, góp mặt thường xuyên tại các chương trình giao lưu được tổ chức trên đài phát thanh/truyền hình, các cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp, nhà sản xuất v.v...
7. Đột phá thứ bảy- Hiện đại hóa quản lý
Quản lý đại học là một trong các hoạt động yếu nhất của đại học Việt Nam trong thời bao cấp; bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả; yếu về nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ quản lý là đặc trưng nổi bật. ĐHCT bỏ ra 2 năm (1990-1991) tập trung tổ chức lại bộ máy quản lý, trang bị hiện đại cho các Phòng-Ban, điện toán hóa nhiều khâu quản lý (trang bị hệ thống vi tính mạnh và thuê xây dựng phần mềm quản lý sinh viên), trang bị đồng bộ hệ thống thiết bị quản lý tại các đơn vị (khoa, viện, trung tâm, bộ môn trực thuộc v.v...) như máy vi tính, fax, máy in, điện thoại, thiết lập và trang bị hiện đại trung tâm Thông tin và Quản trị mạng, hiện đại hóa hệ thống thông tin (thiết lập mạng nội bộ, hệ thống e-mail ...). Đổi mới phương thức quản lý, lưu trữ tài liệu, giao tiếp, hội họp v.v...từng bước biến Trường Đại học Cần Thơ thành cơ quan hành chính-sự nghiệp điện tử hiện đại, tiết kiệm và hiệu quả. Thông thạo sử dụng vi tính và các phần mềm quản lý cơ bản là bắt buộc đối với cán bộ quản lý ở mọi cấp quản lý.
Trường đã chi một số tiền lớn đào tạo nâng cao/đào tạo lại trong và ngoài nước cán bộ quản lý. ĐHCT là một trong số ít đại học Việt Nam gởi cán bộ quản lý học lấy bằng Thạc sĩ quản trị đại học tại châu Âu . Hàng năm Trường gởi hàng chục cán bộ quản lý cấp trưởng/phó phòng ban, khoa, viện và trung tâm đi tham quan các mô hình quản lý trường đại học Châu Âu, Bắc Mỹ v.v..., tiếp cận phong thái quản lý công nghiệp. Nhờ đó Trường đã từng bước đổi mới tư duy người quản lý, đẩy lùi tệ quan liêu, mệnh lệnh cũ, phát triển phương pháp làm việc nhóm (team work), xóa dần ngăn cách giữa các đơn vị. Trường đã cử 4 cán bộ quản lý học thac sĩ quản trị đại học tại Hà Lan, gởi 4 cán trẻ có triển vọng sang Đại học Twente (Hà Lan) học quy hoạch khuôn viên trường (Campus planning), phương pháp thiết lập đồ án phát triển (master plan).....Từng bước Trường đã phát triển Khu II thành địa bàn giáo dục hài hòa, thân thiện với môi trường, sạch, đẹp, có thảm cỏ, cây xanh ngăn cách các công trình xây dựng ...
8. Đột phá thứ tám-Hợp tác quốc tế
Trường Đại học Cần Thơ thiết lập hợp tác với 80 viện, trường đại học, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ khắp năm châu lục với kinh phí hỗ trợ từ vài ngàn đô la Mỹ đến vài chục triệu đô la Mỹ. Bốn chương trình/dự án quan trong đã giúp Trường “bật dậy” đi lên là chương trình MHO do chính phủ Hà Lan tài trợ, chương trình VLIR do chính phủ Bỉ tài trợ, dự án xây cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Khoa Nông nghiệp do chính phủ Nhật tài trợ và Dự án xây dựng Trung tâm Học liệu do tổ chức Atlantic Philantropies tài trợ. Tổng kinh phí tài trợ bốn chương trinh/dư án này lên đến trên 50 triệu đô la Mỹ.
1). Chương trình MHO
Chương trình MHO do chính phủ Hà Lan thiết lập tài trợ tài chính cho một số đại học các nước nghèo phía Nam hợp tác với các đại học Hà Lan. Theo kế hoạch ban đầu, chương trình dự trù chỉ tài trợ cho một số đại học các nước Châu Phi. Về sau chính phủ Hà Lan mở rộng chương trình này và thêm hai chỉ tiêu tài trợ cho đại học Nam Mỹ và hai chỉ tiêu tài trợ cho đại học các nước Châu Á trong đó có Việt Nam . Các đại học phía Nam muốn được tài trợ phải làm dự án và chính phủ Hà Lan thành lập một hội đồng độc lập xét chọn. Chương trình dự trù kéo dài 12 năm chia làm 3 giai đoạn. Điểm tiến bộ nổi bật nhất của chương trình MHO là các trường đại học phía Nam được quyền chọn đại học đối tác Hà Lan, có thể không nhận dài hạn chuyên gia Hà Lan, chủ động quyết định số lượng/chủng loại trang thiết bịcần mua, số lượng cán bộ gởi đi đào tạo/đào tạo lại/tham quan ngắn, dài hạn .....Tuy nhiên mọi chi tiêu phải tuân thủ nguyên tắc quản lý tài chính của cơ quan quản lý chương trình (NUFFIC) của chính phủ Hà Lan.
Trường Đại học Cần Thơ là một trong hai trường đại học Châu Á được chọn tham gia chương trình MHO; trường thứ hai Châu Á được chọn là một trường tư ở Philippines . Chương trình MHO Đại học Cần Thơ kéo dài 8 năm (1996-2004) với tổng chi phí tài trợ tương đương trên 13 triệu đô la Mỹ. Chương trình được chia thành 9 dự án nhỏ cho các khoa và đơn vị hợp tác với 7 trường đại học và 2 trường cao đẳng (hogschool) nổi tiếng có các ngành đào tạo, nghiên cứu khoa học tương thích với các đơn vị này.
Trường Đại học Cần Thơ dùng MHO tập trung đầu tư cho các hạng mục sau:
- Xây dựng mới/nâng cấp cơ sở vật chất: xây dựng và trang bị hiện đại cho Khoa Khoa học, Khoa Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học....
- Nâng cấp/trang bị mới thiết bị dạy và học, nghiên cứu khoa học và quản lý: Trường mạnh dạng nâng cấp/ trang bị mới và đồng bộ như thiết bị cho công nghệ ADN (DNA technology), công nghệ men (enzyme technology) của BiRDI, thành lập Trung tâm Thông tin và Quản lý mạng áp dụng công nghệ thông tin vào thông tin liên lạc (ĐHCT là một trong các trường đại học ở Việt Nam sớm thiết lập mạng nội bộ phục vụ liên lạc,e-mail), Khoa Y-Nha-Dược (nay là Trường Đại học Y-Dược Cần Thơ) hiện đại hóa nội dung đào tạo, thiết lập và trang bị phòng huấn luyện kỹ năng (skill laboratory) phục vụ phương pháp đào tạo tích cực mới . Đây là phương pháp đào tạo hiện đại nhất lần đầu tiên được thiết lập ở Việt Nam; Khoa đã nhanh chóng trở thành địa điểm tham quan của các trường Y-Nha-Dược. Hiện nay các trường y-nha-dược ở Việt Nam đều thiết lập phòng huấn luyện kỹ năng này.
- Cùng các đại học Hà Lan tiến hành các chương trình nghiên cứu giải quyết các vấn đề của Việt Nam như đất phèn, thủy sản, vi sinh vật....
2). Chương trình VLIR
Chính phủ Bỉ tài trợ cho Trường Đại học Cần Thơ hợp tác với các trường đại học phía Bắc Bỉ (Catholic University of Leuven, University of Ghent và Free University of Brussels) với những điều kiện thoáng như chương trình MHO. Chương trình kéo dài trong 10 năm (1998-2008) với kinh phí khoảng 7 triệu EURO. Chương trình cũng gồm ba nội dung chính-đào tạo, trang bị và nghiên cứu khoa học trong các lãnh vực thủy sản, công nghệ sinh học, kinh tế và công nghệ thông tin, đầu tư thiết bị nghiên cứu chuyên sâu cho Khoa Thủy sản, Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học và Trung tâm Thông tin và Quản trị Mạng.
3). Dự án xây dựng và trang bị Khoa Nông nghiệp
Thông qua cơ quan JICA (Japan International Cooperation Agency), chính phủ Nhật Bản tài trợ tương đương trên 23 triệu đô la Mỹ xây dựng mới và trang bị hiện đại cho dạy/học và nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lãnh vực nông nghiệp cho Khoa Nông nghiệp. Ngoài ra, chính Nhật cũng cấp nhiều học bổng cho cán bộ, sinh viên sang học tại các trường đại học Nhật. Nhờ có phương tiện hiện đại, Khoa đã đào tạo nhiều ngàn kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ thuộc lãnh vực nông nghiệp và nghiên cứu sâu, giải quỵết nhiều vấn đề của Việt Nam như đất phèn, sâu bệnh lúa, cây trồng, đóng góp xứng đáng chuyển Việt Nam từ thiếu lương thực và thực phẩm sang nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai của thế giới.
4).Xây dựng mới và trang bị hiện đại Trung tâm Học liệu
Tổ chức Atlantic Philantropies (Hoa Kỳ) tài trợ tài chính xây dựng mới và trang bị hiện đại Trung tâm Học liệu và cung cấp học bổng đào tạo chuyên viên vận hành trung tâm với kinh phí trên 9 triệu đô la Mỹ. Đây là thư viện hiện đại vào bậc nhất trong các đại học ở Việt Nam . Trung tâm có trên 130.000 nhan đề sách, báo, tạp chí (với hơn 30.000 quyển), 430 nhan đề về băng đĩa và các cơ sở dữ liệu điện tử (Ebsco, Blackwell, TEEAL, AGORA, HINARI....) với 550 máy vi tính phục vụ mọi lãnh vực học tập, nghiên cứu của cán bộ, sinh viên của Trường và cộng đồng địa phương. Nhờ đó các giáo trình, giáo án , phương pháp giảng dạy/học tập luôn được cập nhật; sinh viên có nhiều cơ hội mở rộng kiến thức.
Tuy nguồn tài chính mang về từ các chương trình hợp tác quốc tế (khoảng tương đương 70 triệu đô la Mỹ) không lớn so với ngân sách hàng năm của đại học các nước công nghiệp phát triển, nhưng đây là đòn bẩy thật quan trọng giúp đổi mới và hiện đại hóa Trường Đại học Cần Thơ thành cơ sở đào tạo, phát triển nhân tài cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đóng góp xứng đáng vào nổ lực phát triển toàn diện thế hệ trẻ Việt Nam có tri thức hiện đại, tác phong công nghiệp, có khả năng sáng tạo và tư duy độc lập....
9. Đột phá thứ chín-Xây dựng tác phong công nghiệp, văn minh
Đổi mới tư duy, tác phong thời “bao cấp” của một bộ phận CBNV tại ĐHCT là việc làm đầy khó khăn và nhiều thử thách. Công tác này đã được bắt đầu ngay từ những năm đầu thập niên 1990 khi “làn sóng đổi mới” lan đến ĐHCT. Cuộc vận động đổi mới tư duy được thực hiện dưới nhiều hình thức: đưa đi đào tạo, tham quan nước ngoài, dự hội nghị quốc tế, biện pháp hình chính, sự giao lưu với khách, chuyên gia và sinh viên nước ngoài đến làm việc/học tập, tính kỹ luật cao, tư duy độc lập v.v...đã len dần vào nếp sinh hoạt của cộng đồng ĐHCT. Cộng đồng với nhiều nguồn cán bộ với tâm tư, ước vọng khác nhau trước đây đã biến thành một khối thuần nhất sau 20 năm đổi mới và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Đa số cán bộ trẻ, sau khi học xong ở nước ngoài, trở về đã nhanh chóng tái hội nhập với tập thể Trường; một cán bộ trẻ, khi trở về nước được hỏi có kế hoạch chuyển công tác không, đã trả lời “ trương này của em mà sao em lại đi đâu ? ”. Tâm trạng của người cán bộ trẻ nói lên phần nào mức độ thành công của “đổi mới” tại ĐHCT. Cán bộ này vẫn đang gắn bó với Trường, đã được Nhà nước phong Phó Giáo sư và đã cống hiến xứng đáng vào công tác đào tạo và phát triển Trường Đại học Cần Thơ.
IV. Kết luận
Trường Đại học Cần Thơ, một cơ sở đào tạo thuộc “sân sau”, đã “ lột xác” và trưởng thành sau 20 năm đổi mới và phát triển. Trường đã khắc phục được nhiều yếu kém, nắm bắt được xu thế của thời đại, thực hiện nghiêm túc chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, khai thác có hiệu quả các cơ hội phát triển, trở thành một trong các cơ sở giáo dục đại học trẻ tiên tiến của Việt Nam. Trường có cơ sở vật chất kiên cố và trang bị hiện đại, có một tập thể cán bộ, nhân viên có tri thức, đoàn kết, năng động, sẳn sàng vấn thân vì sự nghiệp phát triển trường, có vị trí ngang tầm với nhiều trường đại học khu vực và quốc tế. Trường Đại học Cần Thơ được cộng đồng thế giới trân trọng, là điểm chọn đến học tập và làm việc của nhiều sinh viên và chuyên gia quốc tế, là đối tác ngang tầm với nhiều viện, trường, tổ chức trong và ngoài nước. Trường cũng đã có những hỗ trợ nhất định phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất lương thực thực phẩm tại một số quốc gia phía Nam như Lào, Campuchia, một số quốc gia Châu Phi....
Kính gửi Bác/ Thầy Trần Phước Đường,
Trả lờiXóaBài " Sức thu hút từ lãnh đạo" cũng nói lên một số kết quả của trường Đại học Cần Thơ mà Bác / Thầy đề cập trong bài này
http://apricotblog.blogspot.com/2011/06/suc-thu-hut-tu-lanh-ao.html